Friday, July 12, 2013

Cựu điệp viên CIA Snowden lộ diện, tiếp tục xin tị nạn tại Nga

Snowden trong buổi họp báo ngày 12/7 tại sân bay Sheremetyevo
Snowden trong buổi họp báo ngày 12/7 tại sân bay Sheremetyevo

Trước sự chứng kiến của đại diện 13 tổ chức nhân quyền cùng hàng trăm phóng viên thế giới tập trung tại sân bay Sheremetyevo của Mátxcơva, cựu điệp viên bị giới chức Mỹ săn đuổi khẳng định chính thức chấp thuận mọi lời mời tị nạn của các nước.

“Hôm nay tôi chính thức thông báo chấp thuận tất cả những lời đề nghị hỗ trợ hoặc đề nghị cho tị nạn tôi đã nhận được, cũng như những đề xuất khác mà tôi có thể nhận được trong tương lai”, Snowden nói.

“Ví dụ như, đối với việc phê chuẩn cho tị nạn của Tổng thống Venezuela Maduro, tư cách người tị nạn của tôi giờ đã là chính thức. Và không quốc gia nào có cơ sở để ngăn cản quyền của tôi trong việc hưởng quy chế tị nạn”, tuyên bố được Snowden đọc có đoạn viết.

Công dân Mỹ này cũng khẳng định mình chưa thể di chuyển tới Mỹ La tinh để hưởng quyền tị nạn do lo ngại sự ngăn cản của các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Do đó anh kêu gọi mọi người hỗ trợ để yêu cầu cho anh có một lộ trình an toàn tới Mỹ La tinh. Cho đến khi việc này có thể thực hiện, Snowden sẽ nộp đơn xin tị nạn tại Nga.

“Như chúng ta đã thấy, một số chính phủ tại Tây Âu và Bắc Mỹ đã cho thấy ý định sẵn sàng hành động ngoài khuôn khổ pháp luật, và đến nay thái độ này vẫn còn tiếp tục. Sự đe dọa trái phép đó khiến việc di chuyển tới châu Mỹ La tinh của tôi và hưởng quy chế tị nạn được cấp tại đây…là không thể.

…Do vậy, tôi kêu gọi sự hỗ trợ của quý vị trong việc yêu cầu đảm bảo một lộ trình an toàn cho tôi từ các quốc gia liên quan tới châu Mỹ La Tinh, cũng như đề nghị xin tị nạn tại Nga cho tới khi các quốc gia nêu trên tuân thủ luật pháp, và hành trình hợp pháp của tôi được thực hiện. Hôm nay, tôi sẽ nộp yêu cầu tị nạn tới nước Nga và hy vọng nó sẽ được chấp thuận như mong muốn”, cựu điệp viên này khẳng định

Tố cáo chính phủ Mỹ “vô đạo đức”

Trước đó, trong phần đầu của tuyên bố trước báo giới, Snowden khẳng định khi còn làm việc cho chính phủ Mỹ, anh từng có khả năng tìm kiếm, tịch thu, và đọc thư tín của bất kỳ ai, ở bất kỳ thời điểm nào “mà không cần bất kỳ sự cho phép nào”.

Snowden cho rằng đây là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp và hiến pháp của nước Mỹ. “Trong khi hiến pháp của nước Mỹ xem những chương trình này là phi pháp, chính phủ của tôi tranh luận rằng những phán quyết của tòa án bí mật, mà thế giới không được phép thấy, bằng cách nào đó đã hợp pháp hóa một việc làm phi pháp.

Những phán quyết này, đơn giản đã phá vỡ những khái niệm cơ bản nhất của luật pháp – đó là nó phải được thực thi. Những việc phi đạo đức không thể trở thành có đạo đức thông qua việc sử dụng luật pháp bí mật”, cựu điệp viên CIA nhấn mạnh.

Snowden cũng trích dẫn quy tắc được tuyên bố tại Nuremberg, Đức năm 1945, theo đó “các cá nhân có nghĩa vụ quốc tế vượt trên cả nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc gia. Do đó mỗi công dân phải có trách nhiệm vi phạm luật pháp của nước mình để ngăn chặn các tội ác chống lại hòa bình và nhân loại”. Do vậy chàng thanh niên 30 tuổi này tin rằng mình đã làm “những gì tôi tin là đúng và bắt đầu một chiến dịch để chấn chỉnh những việc làm sai trái”.

Snowden cũng khẳng định mình không tìm cách bán bí mật của nước Mỹ, không bắt tay với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào để đảm bảo cho an toàn của bản thân. “Thay vào đó, tôi công bố những gì mình biết cho công chúng, để những gì ảnh hưởng tới chúng ta có thể được thảo luận bởi tất cả mọi người dưới ánh sáng ban ngày, và tôi yêu cầu công lý từ toàn thế giới”, công dân Mỹ này khẳng định.

Snowden cũng cho biết anh không hề hối tiếc về những gì đã làm. Anh cũng bày tỏ lòng biết ơn tới các chính phủ đã đề nghị hỗ trợ và cho anh tị nạn, gồm Nga, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, và Ecuador.

Về phần mình trong ngày hôm qua, chính phủ Nga tái khẳng định các điều kiện mình từng đưa ra để xem xét cho Snowden tị nạn. “Về lý thuyết, ông Snowden có thể ở lại Nga nếu, trước hết, ông ấy dừng hoàn toàn các hoạt động gây phương hại tới các đối tác Mỹ của chúng tôi và mối quan hệ Mỹ - Nga. Thứ hai, nếu chính anh ta yêu cầu điều đó”, người phát ngôn của Tổng thống Putin Dmitry Peskov cho biết.

Theo bà Tanya Lokshina, phó giám đốc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, người cũng có mặt tại buổi họp báo, Snowden sẵn sàng chấp thuận yêu cầu trên bởi anh sẽ không có thêm tiết lộ nào nữa. “Cậu ấy nói công việc của cậu ấy đã hoàn tất”, bà Lokshina cho biết.

Thanh Tùng
Theo RT


Source : dantri[dot]com[dot]vn

No comments:

Post a Comment